Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Thơ Ivan Bunin - Phần 23 - Tiểu Sử


Ivan Alekseevich Bunin (tiếng Nga: Иван Алексеевич Бунин; 22 tháng 10 năm 1870 - 8 tháng 11 năm 1953) – nhà văn, nhà thơ Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học năm 1933 “vì một thứ nghệ thuật nghiêm ngặt mà cùng với nó, ông đã phát triển truyền thống văn xuôi cổ điển Nga”. Ông là một nhân vật được tôn kính trong số các nhà phê bình châu Âu và nhiều nhà văn đồng nghiệp, những người xem ông như một người thừa kế thực sự cho truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga do Tolstoy và Chekhov khởi xướng.

Tiểu sử:
Ivan Bunin sinh ngày 22-10-1870 ở tỉnh Voronezh, vùng trung Nga, tuổi thơ sống ở miền quê tĩnh lặng của tỉnh Oryon. Thời trẻ làm thợ sửa bản in, viết báo. Năm 1891 in tập thơ đầu tay Dưới bầu trời rộng mở, năm 1897 xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác, được giới phê bình đánh giá cao. Năm 1889 Bunin rời quê, làm nhiều nghề kiếm sống như thợ sửa bản in thử, thủ thư, làm báo... Niềm đam mê hội họa và âm nhạc đã ảnh hưởng tới sáng tác văn học sau này của ông. Bunin làm thơ, viết văn khá sớm, sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu nổi tiếng về văn xuôi với các truyện ngắn và truyện vừa.
Tác phẩm đầu tiên của ông là bài thơ Bên mộ Nadson - tên một nhà thơ Nga - (1863-1887). Năm 1891 ông xuất bản tập thơ trữ tình đầu tiên Những bài thơ (1891) ở Oryon. Thơ đã mở đầu văn nghiệp và còn đeo đẳng mãi ngòi bút của ông đến tận cuối đời. Năm 1894 ông in truyện ngắn đầu tay Tanka. Năm 1897, xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác, viết về sự suy tàn của tầng lớp quý tộc và cảnh sống cơ cực của người nông dân Nga, được giới phê bình khen ngợi.
Tác phẩm của ông không đề cập đến các vấn đề chính trị. Ông không theo một trường phái nào như Suy đồi, Tượng trưng, Lãng mạn hay Tự nhiên chủ nghĩa. Ông sống chủ yếu ở nông thôn, đi du lịch nhiều nơi ở Nga và các nước trên thế giới như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Palestin, Tunisia, Ai Cập và các vùng nhiệt đới... Ông quan tâm nhiều đến các vấn đề về tâm lý, tôn giáo, đạo đức và lịch sử.
Năm 1909 Bunin được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Năm 1910 ông xuất bản thiên truyện Làng, một bức tranh chân thực về cuộc sống nông thôn nước Nga; tác phẩm trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của giới trí thức Nga về thực chất xã hội Nga và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã khiến Bunin nổi tiếng; thành công này được tiếp tục phát huy ở các tác phẩm tiếp theo.
Bunin đi du lịch nhiều nơi, làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Năm 1909 được bầu làm Viện sĩ danh dự của Viện hàn lâm Khoa học Nga. Sau cách mạng tháng Mười ông di cư sang Pháp và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Tập truyện Những con đường rợp bóng được tặng giải Nobel được viết trong thời kỳ này. Ngoài văn, thơ Bunin còn nổi tiếng là một dịch giả thơ bậc thầy. Bản dịch Bài ca về Hiawatha (The Song of Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow được tặng Giải thưởng Puskin. Những năm cuối đời, Bunin viết một số truyện ký độc đáo và sâu sắc về các danh nhân Nga như L. Tolstoy, A. Chekhov... Năm 1951 ông được bầu là Hội viên danh dự số một của Hội Văn bút quốc tế.
Ivan Bunin mất ngày 8 tháng 11 năm 1953 ở Pháp, an táng tại nghĩa trang Sainte-Geneviève-des-Bois.


Tác phẩm:
Dưới bầu trời rộng mở (Под открытым небом, 1891), tập thơ.
Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác (На край света и другие рассказы, 1897), tập truyện.
Những quả táo Antonov (Антоновские яблоки, 1900), truyện ngắn.
Lá rụng (Листопад, 1901), tập thơ.
Làng (Деревня, 1910), truyện vừa.
Sukhodol (Суходол, 1911), truyện vừa.
Quý ông từ San Francisco (Господин из Сан-Франциско, 1915), truyện vừa.
Hơi thở nhẹ (Легкое дыхание, 1916), truyện ngắn.
Hoa hồng Jericho (Роза Иерихона, 1924), tập truyện.
Tình yêu của Mitia (Митина любовь, 1926), truyện vừa.
Những ngày đáng nguyền rủa (Окаянные дни, 1926), nhật kí.
Cuộc đời Arseniev (Жизнь Арсеньева, 1930), tiểu thuyết.
Giải phóng Tolstoi (Освобождение Толстого, 1937), tiểu luận.
Những con đường rợp bóng (Темные аллеи, 1943), tập truyện.
Hồi tưởng (Воспоминания, 1950), tập kí.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét